Chàng trai sinh năm 1988, Đinh Văn Đông chia sẻ sau chục năm bôn ba ở đất Sài Gòn và do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều tuổi đã cao, sức yếu, nên năm 2016 anh quyết định rời phố thị phồn hoa để về quê phụng dưỡng bố mẹ và tìm hướng đi riêng cho bản thân.
Anh Đinh Văn Đông từng đối mặt với nhiều dị nghị khi quyết định về quê khởi nghiệp
Anh Đông kể ngày cưới vợ bố mẹ làm 30 mâm cỗ bàn để mời bà con làng xóm mừng con trai út đã thoát ế và về nối nghiệp truyền thống mấy đời của cha ông là làm nông thay vì theo đuổi cái việc mà anh đã theo học lấy bằng.
Nhưng sau ly rượu chúc phúc là những lời bàn tán rằng “thằng ấy học không làm được gì rồi cũng về làm nông dân”. Cái sự trớ trêu chưa dừng ở đó mà còn là sự để ý mỉa mai của các cô hàng xóm về đôi vợ chồng bỏ cái bằng đại học và cũng không biết cầm cả dụng cụ làm cỏ ở nông thôn, cũng như kinh nghiệm chăm sóc cây trồng.
Để bổ sung những kiến thức còn thiếu, hai vợ chồng trẻ dành thời gian tìm hiểu thông tin từ báo, đài và mạng internet. Trong quá trình chăm sóc vườn cà phê của gia đình, anh nhận nhận thấy rằng hầu hết bà con trong vùng đều canh tác theo lối truyền thống, đa phần sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, chính việc lạm dụng này đã gây ra những tác động xấu như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất; sản phẩm làm ra không đạt được chất lượng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng, bởi trong sản phẩm làm ra vẫn còn dư lượng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Không muốn đi vào lối mòn của những người đi trước, anh chị đã tự mày mò, tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet, đúc kết nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển hướng từ canh tác cà phê truyền thống sang hướng hữu cơ.
Kể về những ngày đầu đầy gian nan của mình, ông bố sinh năm 1988 thừa nhận thời gian đầu chuyển sang canh tác bằng sản phẩm hữu cơ bản thân đã gặp không ít khó khăn bởi chưa nắm vững kỹ thuật. “Sau khi lên mạng tìm hiểu các dòng sản phẩm, tôi đã sử dụng phân vi sinh để thay thế phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Lúc đầu tôi thử nghiệm trên 300 cây, sau một năm thấy được hiệu quả mang lại nên đến nay tôi đã nhân rộng trên diện tích 2 ha”, anh Đinh Văn Đông chia sẻ.
Đến mùa thu hoạch, khi mọi người thuê người tới hái ồ ạt thì anh thủng thẳng lựa quả chín. Kệ chim có ăn nhưng lại được lợi từ nguồn phân, chúng bắt sâu làm tổ, chim càng nhiều thì lượng phân bón ngày càng nhiều điều này rất tốt cho cây trồng. Anh cũng chia sẻ hiện có những quốc gia làm giàu nhờ phân chim. Giun càng nhiều đất càng tơi xốp vì chúng hoạt động không ngừng nghỉ.
Do đó, ngay cả khi bước vào mùa khô nhưng vườn cà phê của gia đình anh chẳng những không bị vàng héo mà lá vẫn xanh tốt; nền đất tơi xốp, dưới gốc cà phê là những thảm cỏ xanh nên giữ độ ẩm rất tốt; không giống như những vườn cà phê khác ở xung quanh đã có dấu hiệu thiếu nước, lá bị vàng, khô cành… Bên cạnh đó, vườn cà phê của anh Đông cũng không có hiện tượng bị rầy rệp xâm hại như các vườn xung quanh.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên mỗi năm chàng trai 33 tuổi thu lãi tới 300 triệu đồng
Sau hơn 3 năm canh tác cà phê theo hướng phân hữu cơ, năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê của gia đình anh Đông từng bước được nâng cao. Đông cho biết từ năm 2018 đến nay, với 2 ha cà phê, bình quân gia đình anh thu được khoảng 11,6 tấn cà phê nhân.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, nên giá cả thị trường cũng được tăng lên, đạt 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí về phân bón, nhân công, dàn phơi... gia đình anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện chàng trai 33 tuổi đang ấp ủ xây dựng 1 trang trại cung cấp nông sản chuẩn sạch từ vườn ra phố bởi ngoài cà phê, chàng trai trẻ đang trồng thêm bơ, hồ tiêu,...
Không chỉ làm giàu cho bản thân từ hướng đi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Đông còn tích cực giúp đỡ bà con nông dân trong vùng nâng cao giá trị sản phẩm cà phê trên thị trường.
Theo đó, thời gian qua, anh Đinh Văn Đông đã vận động đoàn viên, thanh niên ở một số thôn trên địa bàn xã Hòa Bắc liên kết sản xuất cà phê hữu cơ. Đến nay, đã có 10 hộ ở Thôn 9, Thôn 10, Thôn 11 tham gia với diện tích sản xuất trên 10 ha.
Theo anh Đinh Văn Đông, thông qua liên kết sản xuất nhằm giúp bà con nông dân thay đổi phương pháp canh tác; nâng cao sản lượng, số lượng cà phê sạch cung cấp cho thị trường; thay đổi tư duy cho người nông dân sản xuất cà phê thân thiện với môi trường; đồng thời mong muốn xây dựng vườn sinh thái, câu lạc bộ mặt hàng nông sản địa phương, đặc biệt là mặt hàng cà phê…
Chia sẻ về những thành công của mình sau quyết định rời phố về quê khởi nghiệp với lĩnh vực nông sản hữu cơ, anh Đông cho rằng về quê không phải là sự trốn chạy mà chỉ là tìm một hướng phấn đấu phù hợp hơn với mình.
Anh cũng cho biết, hiện có rất nhiều bạn trẻ đang bỏ quê ra phố để tìm cho mình một cơ hội, một công việc có thu nhập hấp dẫn khiến thôn quê thiếu lao động. Đây cũng chính là lý do mà anh có quyết định liên kết một nhóm các bạn thanh niên xây dựng một tổ lao động liên kết và hướng đến xây dựng một hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ.